Bệnh phân trắng trên tôm là bệnh phổ biến trong những năm gần đây và hầu như diễn ra quanh năm. Khi bệnh phân trắng xảy ra, gần như phần lớn người nuôi đều chọn giải pháp thu hoạch thay vì chữa trị, hoặc rất khó chữa trị gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi tôm.
Người nuôi tôm cần phân biệt 03 giai đoạn của bệnh phân trắng:
- Giai đoạn dự báo khả năng xảy ra bệnh phân trắng: tức là giai đoạn mà tôm chưa có bất kỳ biểu hiện lâm sàng nào của bệnh phân trắng.
- Giai đoạn xuất hiện các triệu chứng lâm sàng trên tôm: ruột lỏng, màu ruột không đặc trưng của tôm khỏe mạnh, gan yếu hoặc xấu đi rõ rệt, phân đứt khúc nhiều, đi phân sống màu nhợt nhạt, xuất hiện dấu hiệu có nhớt hoặc chất béo trong phân.
- Giai đoạn thấy xuất hiện bệnh phân trắng: thấy rõ phân trắng xuất hiện trong ao.
Bài viết này tập trung vào giai đoạn dự báo khả năng xảy ra phân trắng và các hành động tức thời mà người nuôi cần làm để đẩy lùi nguy cơ.
1. Nhận diện các mối nguy có khả năng dẫn đến phân trắng
Trước tiên cần xác định thời điểm nào mà bệnh phân trắng dễ bùng phát nhất, dưới đây là một số đặc điểm để dự báo trước, khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện:
- Giai đoạn giao mùa mưa nắng; nắng nóng hay mưa kéo dài; ngày rất nóng, oi bức, đêm mát mẻ hơn nhiều.
- Áp lực bệnh nguy hiểm khác gia tăng xung quanh mà phổ biến nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính EMS và EHP (vi bào tử trùng ký sinh trong gan tụy gây chậm lớn) là những lúc mà bệnh phân trắng dễ bùng phát nhất.
- Ao nuôi có vấn đề về môi trường, biến đổi các yếu tố thủy lý hóa và vi khuẩn như nước đổi màu đột ngột theo hướng xấu đi (đục, quá xanh, nước lợn cợn nhiều, keo đặc…); tảo tàn hoặc quá dày; sức khỏe tôm kém đi (thể hiện qua việc kém linh hoạt, không búng nhảy mạnh khi thăm vó, tôm ăn nhiều nhưng không tăng trọng bình thường), vỏ tôm không chắc khỏe, trong bóng; tôm thường xuyên bị cong thân, đục cơ, cơ thịt tôm không trong…
- Nếu kiểm mẫu tôm và nước trên môi trường TCBS (đĩa thạch màu xanh) thì thấy kết quả khuẩn nước cao hơn 103, và có xuất hiện khuẩn lạc xanh; khuẩn tôm cao hơn 103 và có thể có xuất hiện khuẩn xanh.
- Khí độc NH3 tăng cao và tôm bị phơi nhiễm lâu trong môi trường có khí độc NH3, NO2 (trên 5 ppm) kéo dài nhưng không xử lý được.
2. Triển khai ngay biện pháp phòng bệnh một cách tích cực và chủ động
Bất kỳ một biện pháp phòng hay chữa trị bệnh nào cho động vật thủy sản nuôi nói chung và tôm nói riêng cũng đều là một biện pháp tổng hợp bao gồm: xử lý tích cực và đặc biệt với môi trường, cho ăn bổ sung các sản phẩm mục tiêu hợp lý, kiên định phác đồ và quản lý chặt chẽ hơn thức ăn, ao nuôi, tăng cường tần suất quan sát, đánh giá tôm sát sao hơn.
Đối với biện pháp phòng phân trắng, cần cụ thể như sau:
Xử lý tích cực và đặc biệt với môi trường
- Người nuôi cần diệt khuẩn ao nuôi của mình định kỳ 07 ngày/lần xen kẽ giữa các chu kỳ diệt khuẩn là dùng vi sinh với liều cao hơn ít nhất 1,5 lần và đánh với tần suất ngắn hơn. Cũng có thể thực hiện diệt khuẩn 01 lần – lặp lại 02 nhịp cách nhau 24 giờ, trước khi tiến hành đánh vi sinh liều cao với tần suất như trên suốt thời gian phòng bệnh. Đối với các ao đất, vì sinh cần phải dùng liều cao hơn ít nhất 02 lần so với bình thường trong suốt thời gian phòng bệnh vì tôm có thể tìm kiếm thức ăn ở tầng đáy và như vậy vô tình tích lũy nhiều vi khuẩn gây bệnh vào đường ruột. Do đó, liều lượng vi sinh cao có thể giúp ao nuôi và tầng đáy ao nuôi của bạn an toàn hơn rất nhiều cho tôm.
- Các ao bạt đáy cần siphon tích cực và kỹ lưỡng hơn để đảm bảo giảm tải lượng hữu cơ, đặc biệt lưu ý với trường hợp tôm đã lớn (sau 02 tháng).
- Kiểm soát thức ăn thật kỹ để tránh dư thừa, đặc biệt cần chú ý không tăng thức ăn những ngày nắng nóng, oi bức vì những ngày thế này tôm có thể ăn nhanh, nhiều và thải phân nhanh trước khi kịp tiêu hóa hết dưỡng chất. Nếu không tuân thủ nguyên tắc này, bạn có thể nóng ruột và cho tôm ăn nhiều theo sức ăn của nó, và như vậy môi trường ao nuôi sẽ nhanh chóng xấu đi.
Cho ăn các chất bổ sung hợp lý và đúng mục tiêu:
- Nguyên tắc phòng bệnh phân trắng là cố gắng giữ đường ruột tốt bằng cách loại bỏ vi khuẩn gây bệnh, gia tăng vi khuẩn có lợi và bổ trợ giảm tải cho hoạt động của gan trong việc tiêu hóa thức ăn.
- Dùng acid hữu cơ có tính sát khuẩn mạnh hàng ngày, mỗi ngày ít nhất 1 cữ.
- Dùng vi sinh vật có khả năng kháng khuẩn cao và gia tăng tốt mật số trong môi trường đường ruột hàng ngày.
- Dùng enzyme bổ trợ tiêu hóa để tăng cường phân giải thức ăn và hấp thu tốt dưỡng chất, qua đó giảm tải nhiều cho hoạt động gan tụy.
- Dùng các sản phẩm chứa hoạt chất đặc biệt bổ trợ gan.
Các vấn đề khác
Mặc dù các nguyên tắc phòng bệnh đã được thiết lập cụ thể, nhưng bạn cũng cần chú ý đến những vấn đề sau đây:
- Các sản phẩm sử dụng trong phác đồ phải hết sức chất lượng và được sử dụng đúng cách. Phác đồ phòng bệnh hoàn toàn mất hết ý nghĩa nếu bạn dùng các sản phẩm kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc. Để nhận diện các sản phẩm chất lượng hay không là không hề dễ dàng, nhưng bạn cũng có thể hạn chế khó khăn này bằng cách lắng nghe các chia sẽ từ người nuôi xung quanh, nhìn vào thành tích nuôi của người chia sẽ…hoặc bằng nhiều cách khác mà thực tế tại khu vực bạn có thể xác định các nguồn tin tin cậy. Bạn cũng có thể kiểm tra công ty cung cấp sản phẩm mà bạn dự định mua bằng cách liên hệ trực tiếp để trao đổi (số điện thoại luôn có trên bao bì), lắng nghe cách mà nhân viên công ty giải thích về sản phẩm để có thể nhận biết mức độ tin cậy hoặc kiểm tra trên website của công ty.
- Cần hạn chế tối đa người ngoài vào ao thăm tôm hoặc đi vòng quanh các ao nuôi, vì không có gì chắc chắn người ngoài không đi thăm các ao đã nhiễm bệnh trước đó.
- Trộn thức ăn kỹ lưỡng hơn thường ngày.
- Đánh giá môi trường và tôm nuôi từ cảm quan đến đo đạc cụ thể ít nhất 2 lần 1 ngày, thậm chí nên kiểm khuẩn tôm 3-4 ngày/lần, việc này sẽ cho bạn có cái nhìn chính xác hơn về ao nuôi và bầy tôm của mình.
Thực hiện bởi: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận và đội ngũ kỹ thuật Công ty FIMOS.